30 thg 1, 2012

Chép Nhạc Cho Beethoven - Copying Beethoven (2006)

Tên phim: Chép Nhạc Cho Beethoven - Copying Beethoven (2006)
Đạo diễn: Agnieszka Holland
Diễn viên: Ed Harris, Diane Kruger, Matthew Goode
Nhà sản xuất: Sidney Kimmel Entertainment, Myriad Pictures, VIP 2 Medienfonds
Thời lượng: 104 phút
Thể loại: Âm Nhạc
Quốc gia: Mỹ
Giới thiệu: Phim lấy bối cảnh năm 1824 tại thành phố Vienna (Áo). Lúc bấy giờ là những ngày về già của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven (Ed Harris đóng), khi ông muốn cho ra đời một tác phẩm mới – bản Symphony số 9 - sau thời gian dài sống cô đơn trong sự câm lặng vì bị điếc cả hai tai và phải chịu nhiều tổn thương. Beethoven cần một người chép nhạc cho mình để hoàn thành tác phẩm và đưa ra công chúng. Cô gái trẻ Anna Holtz (Diane Kruger đóng) đã được gửi đến làm nhiệm vụ này.

Nhà soạn nhạc vốn được mệnh danh là một “quái nhân” ban đầu đã dành cho cô gái sự khinh miệt và khó chịu vì định kiến “trọng nam khinh nữ”. Thế nhưng sau đó, qua một tình huống bất ngờ, Anna đã chứng tỏ tiến bộ của cô trong âm nhạc. Nhờ vậy mà Beethoven đã phát hiện cô gái này thật sự có thể hiểu được âm nhạc của ông và cũng từ đó, tình yêu giữa hai người đã bắt đầu nảy sinh.

Trong Copying Beethoven, mặc dù đôi lúc có một số lời thoại hơi “hiện đại” so với thời của Beethoven, nhưng không thể phủ nhận bộ phim đã lột tả được những nét đẹp trong âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc của con người vĩ đại này.

Với một cảnh quay dài 15 phút, bộ phim đã thật sự đưa người xem đến cao trào nghệ thuật bằng những động thái phối hợp thật ăn ý giữa Beethoven và người trợ lý xinh đẹp trong giai điệu tuyệt vời của bản Symphony số 9.

Không thể nghe được gì nhưng lại muốn chỉ huy dàn nhạc, Beethoven đành trông chờ vào sự trợ giúp của Anna dưới sân khấu. Những nốt nhạc như vang lên trong ánh mắt của cô gái, những khúc chuyển âm vẫn nhịp nhàng theo đôi tay của Anna, khi cô làm nhiệm vụ như một chiếc gương phản chiếu những chuyển động, giúp Beethoven giữ cho dàn nhạc không bị lỗi nhịp.

Cả hai diễn viên chính đã thành công khi đã làm “nóng” cảnh quay này, và khi xem nó, khán giả sẽ cảm nhận được sự tôn sùng dành cho âm nhạc cũng như sự đau đớn đến “hoang dại” thể hiện trong tác phẩm của Beethoven – một nhà soạn nhạc vang danh khắp thế giới nhưng lại không thể nghe được âm nhạc của chính mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu trữ Blog