Đạo diễn: Clint Eastwood
Diễn viên: Ken Watanabe, Kazunari Ninomiya, Tsuyoshi Ihara
Nhà sản xuất: DreamWorks SKG, Warner Bros. Pictures, Malpaso Productions
Thời lượng: 141 phút
Thể loại: Chiến tranh
Quốc gia: Nhật Bản
Giới thiệu: Nếu trong Ngọn cờ cha ông, đạo diễn Clint Eastwood mô tả trận đánh giữa 20.000 lính Nhật Bản và 77.000 lính thuỷ quân lục chiến cùng 100.000 lính bộ Hoa Kỳ trên hòn đảo Iwo Jima của Nhật vào năm 1945 với góc nhìn từ phía người Mỹ, thì với Những cánh thư từ Iwo Jima, Clint Eastwood kể lại cuộc chiến này với góc nhìn từ phía những người lính Nhật. Những cánh thư từ Iwo Jima là những lá thư của những người lính Nhật mà phải 60 năm sau cuộc chiến, người ta mới đào bới và tìm thấy trong những địa đạo trên núi ở đảo Iwo Jima. Đó là thư của Saigo, một người thợ làm bánh buộc phải cầm súng ra trận để bảo vệ Tổ Quốc, gửi về cho vợ và con gái chưa từng thấy mặt của mình để tâm tình về nỗi sợ hãi cuộc chiến tranh; là lá thư của Shimizu, một người lính chán ghét sự tàn bạo của những người cấp trên lẫn cuộc chiến tranh, gửi về cho mẹ; là thư của người chỉ huy Kuribayashi, với những tư tưởng cấp tiến được học từ Hoa Kỳ và chạm trán với những cấp dưới bảo thủ trong việc tổ chức phòng ngự bảo vệ hòn đảo, gửi về cho vợ để tâm sự nỗi lòng anh… Clint Eastwood giới thiệu từng nhân vật một, về tính cách, về tâm sự của họ, cảm nhận của họ về cuộc chiến, về sự kiêu hãnh và lòng yêu nước. Nếu Ngọn cờ cha ông được thể hiện với thủ pháp hồi tưởng, bởi các nhân vật trong phim vẫn còn sống ngoài đời và bộ phim là một sự hồi tưởng về nhữn gì đã xảy ra trong cuộc đời họ, thì Những cánh thư từ Iwo Jima được kể lại như một câu chuyện đã diễn ra để người xem hiểu hơn về cuộc đời của những người đã khuất. Với bộ phim này, Clint Eastwood chứng minh ông là một đạo diễn tầm cỡ, bởi vừa phải thực hiện một bộ phim có quy mô lớn với nhiều cảnh chiến tranh hoàng tráng, những chi tiết nhỏ đắt giá và xúc động, ông còn làm việc với một đội ngũ diễn viên… nói tiếng Nhật trong toàn bộ phim! Hai bộ phim chiến tranh của ông cũng vẽ nên một chân dung toàn cảnh cuộc chiến được nhìn từ hai phía, để thấy rằng chiến tranh, dù ai thắng ai thua, thì đều là sự mất mát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét